Các bài viết về giáo viên
1. Đọc đi đọc lại nhiều lần bằng mắt
Đọc bằng mắt được cho là cách học bài nhanh, nhớ lâu và hiểu sâu hơn so với khi đọc thành tiếng. Chỉ cần im lặng dùng mắt đọc đi đọc lại nhiều lần và nghiền ngẫm từ từ, bạn sẽ nhớ kiến thức mà không phải phát ra âm thanh gây ảnh hưởng đến người khác.
2. Ghi âm giọng đọc của bạn để nghe lại
Sau khi học đi học lại nhiều lần bằng mắt, nếu bạn cảm thấy hơi mỏi, muốn tựa lưng xuống giường hoặc quanh quẩn dọn dẹp căn phòng của mình mà vẫn tiếp tục theo dõi bài học thì hãy đọc thành tiếng và ghi âm lại, sau đó mở lên nghe trong khi làm việc khác.
3. Đối thoại với bạn cùng học
Đây là cách giúp bạn học thuộc bài nhanh, nhớ lâu mà rất vui, không gây chán. Hãy cùng người bạn thân/bạn cùng phòng thay phiên đặt ra những câu hỏi thuộc kiến thức trong bài và yêu cầu đối phương trả lời (nếu trả lời sai có thể bị phạt nhẹ như búng tai chẳng hạn!).
4. Gạch từ khóa, viết ý chính ra giấy
Hãy lọc ra những từ khóa và dùng bút chì/bút dạ đánh dấu chúng để những từ ấy khắc sâu trong trí nhớ mỗi khi ta đọc qua. Hoặc chọn ra những ý quan trọng nhất trong bài rồi viết ra giấy, sau đó học những ý chính ấy thuộc rồi mới đọc lại bài nguyên mẫu. Nó sẽ giúp ta nhớ lâu, tránh tình trạng học vẹt, quên một từ đầu là quên cả câu phía sau.
5. Dùng hình ảnh, chuỗi từ, sơ đồ tư duy
Đây là cách học bài khoa học được nhiều người áp dụng. Với từ vựng ngoại ngữ hoặc những bài học có quá nhiều kiến thức rời rạc khó nhớ, hãy liên tưởng chúng đến những hình ảnh, ghép các từ đầu (của hàng loạt từ) thành một chuỗi từ dễ nhớ hoặc phác thảo sơ đồ tư duy sẽ giúp bạn học bài hiệu quả hơn.
6. Không gian học hợp lý
Việc thuộc bài nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm bạn chọn để học và thời điểm bắt đầu học. Không gian tốt nhất nên chọn một nơi rộng, thoáng, tĩnh lặng, nhưng đừng quá im lặng vì có thể tạo sự căng thẳng và dễ gây buồn ngủ.
7. Tập học theo khung giờ quy định
Hễ cứ đúng giờ là bạn ngồi ngay ngắn vào bàn học. Việc tạo cho mình thói quen học bài và ôn bài theo giờ giấc đã được lên lịch sẵn như vậy cũng là yếu tố quyết định giúp bạn học bài tự giác, dễ thuộc và không cảm thấy ngán ngẩm, lười biếng nữa.
Thời gian: Nhiều bạn cho rằng buổi sáng là thời điểm thích hợp nhất. Đúng là đầu óc sẽ rất minh mẫn vào sáng sớm, thuộc bài rất dễ nhưng quên cũng rất mau. Có thể bạn thuộc ngay nhưng đến trưa hoặc chiều sẽ rất khó khăn khi nhớ lại. Còn học buổi tối mất thời gian hơn một chút nhưng sáng dậy bạn sẽ nhớ rất kĩ và thời gian nhớ kéo dài. Thời điểm thích hợp nhất để học là buổi tối (7h - 12h). Nên lưu ý chọn thời gian thoải mái (bạn không bị kẹt công việc hoặc lịch học khác), như thế mới dễ tập trung học hơn.
8. Tinh thần học thoải mái:
Cái quan trọng nhất khi bắt tay vào học bài là tinh thần của bạn được thoải mái tuyệt đối, không lo âu và phiền muộn về bất cứ một vấn đề gì. Khi đó bạn sẽ dành toàn bộ tâm trí cho việc học và hiệu quả sẽ được nhân lên rất nhiều đấy!
9. Tập trung hoàn toàn
Để học bài nhanh thuộc và nhớ lâu, bạn nên có sự tập trung hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định. “Học là học, chơi là chơi”, không nên vừa học vừa ăn uống, trò chuyện, xem tivi hoặc lẩm nhẩm theo một bài hát đang phát… Bạn hãy dành những việc đó cho những lúc thư giãn giữa giờ học.
10. Không nên quan trọng độ dài nội dung
Nhiều bạn thường nhìn vào số lượng trang phải học, rồi lắc đầu ngán ngẩm: “Nhiều như thế thì làm sao mình có thể học hết được cơ chứ”, thế rồi nản… Hoặc chỉ học được một vài trang rồi buông… Đừng nhìn vào số trang mình phải học, hãy nhìn vào số trang mình đã học được. Ngoài ra, nên lược bỏ những ý phụ và chỉ tập trung vào ý chính để học.
Tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet
Chưa có bình luận nào cho bài viết này