Các bài viết về giáo viên
GD&TĐ - Trong các bài thi môn Địa lý luôn có bài tập vẽ biểu đồ. Việc vẽ những biểu đồ này không chỉ yêu cầu tính chính xác mà cả tính thẩm mỹ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hải (giáo viên Trung tâm GDTX Tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ cách vẽ các dạng biểu đồ đáp ứng hai yêu cầu trên.
Biểu đồ cột
Công việc đầu tiên khi vẽ biểu đồ cột là phải xây dựng hệ trục tọa độ, với trục tung (trục giá trị) và trục hoành (trục định loại). Hệ trục tọa độ phải được xây dựng phải phù hợp với khổ giấy vẽ, cân đối,...
Trục tung được sử dụng làm thước đo giá trị của đối tượng cần vẽ nên trên đó phải chia khoảng cách các giá trị cho phù hợp với bảng số liệu (khoảng cách giữa các giá trị phải đều nhau, phải ghi trị số của thước đo), đồng thời phải đánh mũi tên và ghi đơn vị tính lên phía trên mũi tên (triệu tấn, triệu người, tỉ USD,...).
Giá trị đầu tiên của thước đo được đặt ở gốc hệ trục tọa độ, có thể lấy bằng 0 hoặc bằng một giá trị nào đó để khi vẽ xong biểu đồ các độ cao của cột được phân biệt rõ ràng. Giá trị lớn nhất của thước đo cần lấy cao hơn so với giá trị cao nhất trong bảng số liệu.
Chú ý: Đối với biểu đồ cột có 2 trục tung thì vẽ 2 trục tung có chiều cao bằng nhau, trên đó xác định giá trị lớn nhất của 2 trục sao cho có sự tương đồng nhau là được còn các yếu tố khác chúng không phụ thuộc vào nhau.
Trục hoành thường dùng để chỉ các yếu tố về thời gian (năm, thời kì, giai đoạn), không gian lãnh thổ (tỉnh, thành phố, vùng,...) hay chỉ tiêu kinh tế theo ngành (công nghiệp, vật nuôi, cây trồng,...).
Nếu trục hoành thể hiện yếu tố thời gian với các mốc năm cụ thể thì khoảng cách giữa các cột trên trục này phải phù hợp với tỉ lệ khoảng cách giữa các mốc năm trong bảng số liệu nhất là khi biểu đồ phản ánh động thái phát triển của đối tượng. Thời gian luôn được tính theo chiều từ trái qua phải.
Ngược lại nếu trục hoành thể hiện yếu tố thời gian là thời kì hay giai đoạn hoặc chỉ về không gian lãnh thổ hoặc phản ánh chỉ tiêu kinh tế theo ngành thì khoảng cách giữa các yếu tố trên trục hoành luôn cách đều nhau.
Với bước vẽ các cột của biểu đồ: Các cột của biểu đồ chỉ khác nhau về chiều cao, còn chiều ngang phải bằng nhau. Cột của biểu đồ không nên vẽ dính vào trục tung. Học sinh ghi trị số trên đầu mỗi cột. Các cột hay các phần của cột thể hiện cùng một đối tượng phải được kí hiệu nền giống nhau.
Biểu đồ tròn
Đối với biểu đồ tròn thể hiện qui mô và cơ cấu cần phải vẽ chính xác tương quan bán kính theo số liệu đã tính toán; với biểu đồ thể hiện cơ cấu không cần vẽ chính xác về tương quan bán kính.
Nếu biểu đồ có 2 đường tròn trở lên, tâm của các đường tròn nên nằm trên một đường thẳng theo chiều ngang.
Để xác định tỉ lệ các thành phần một cách chính xác nên tính từ kim đồng hồ lúc 12 giờ, từ đó lần lượt vẽ các thành phần theo chiều quay của kim đồng hồ.
Mỗi thành phần trong biểu đồ được kí hiệu bằng một kiểu kí hiệu khác nhau sau khi đã ghi tỉ lệ % vào các thành phần biểu đồ.
Biểu đồ đường (đồ thị)
Với biểu đồ này, việc xây dựng hệ trục giống như hệ trục tọa độ trong biểu đồ cột. Tuy nhiên có một số khác biệt:
Trục ngang: Chỉ để chỉ yếu tố thời gian qua các năm (khoảng cách giữa các năm luôn phải được chia đúng theo tỉ lệ khoảng cách giữa các năm trong bảng số liệu).
Mốc năm đầu tiên luôn trùng với gốc tọa độ (nếu có 2 trục đứng thì mốc năm cuối cùng luôn trùng với chân trục đứng bên phải).
Trục đứng: Được sử dụng làm thước đo kết hợp với trục hoành để xác định tọa độ nên trường hợp biểu đồ có nhiều đường biểu diễn phải xác định tỉ lệ của trục đứng sao cho các đường không quá sát nhau.
Bước vẽ đường biểu diễn thực hiện như sau: Xác định tất cả các tọa độ ứng với tất cả các năm ở trục ngang, sau đó dùng thước nối tất cả các điểm lại với nhau ta có đường biểu diễn. (Lưu ý trong trường hợp có nhiều đường biểu diễn nên vẽ từng đường để tránh nối nhầm).
Nếu vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng thì tất cả các đường biểu diễn đều xuất phát từ giá trị 100 trên trục đứng.
Biểu đồ có nhiều đường biểu diễn phải có kí hiệu riêng cho từng đường, đặt tại các điểm tọa độ ứng với mốc năm (mỗi kí hiệu cho một đường); ghi giá trị tại mỗi điểm nút (trong trường hợp biểu đồ có nhiều đường biểu diễn mà các đường này lại nằm sát nhau thì không cần ghi).
Biểu đồ miền theo số liệu tương đối
Có 3 bước để vẽ biểu đồ này. Theo đó, bước đầu tiên là kẻ một hình chữ nhật nằm ngang (cạnh 4/6);
Cạnh đáy tương tự như trục hoành trong biểu đồ đường thể hiện tốc độ tăng trưởng - chỉ thể hiện thời gian qua các năm, do đó khoảng cách các năm luôn phải chia đúng tỉ lệ khoảng cách các năm trong bảng số liệu (năm đầu tiên trùng với gốc tọa độ bên trái, năm cuối cùng ở dưới chân cạnh bên phải).
Cạnh bên trái hình chữ nhật được sử dụng làm thước đo có giá trị từ 0 - 100%, khoảng cách luôn được chia đều theo 10% hoặc 20%.
Bước 2: Vẽ đường ranh giới giữa các miền. Theo đó, đường ranh giới các miền được vẽ tương tự như trong biểu đồ đường.
Chỉ có miền ranh giới đầu tiên thì các điểm tọa độ được xác định bằng các giá trị có trong bảng số liệu, từ ranh giới thứ 2 trở đi giá trị của các đường ranh giới được tính theo giá trị cộng gộp của giá trị thành phần 1 với thành phần 2,...
Trong trường hợp biểu đồ có 3 miền chỉ cần xác định chính xác 2 đường ranh giới thứ nhất và thứ 2. Giá trị của mỗi miền được ghi ở giữa các miền tương ứng với các mốc năm.
Bước 3: Thể hiện mỗi miền bằng một kí hiệu riêng biệt.
Biểu đồ miền theo số liệu tuyệt đối
Biểu đồ này cũng được vẽ theo 3 bước. Bước 1 là vẽ hệ trục tọa độ (tương tự trong biểu đồ đường chỉ có 1 trục tung và 1 trục hoành).
Trục tung luôn được tính từ giá trị 0, các giá trị trên trục tung là giá trị tuyệt đối. Trục hoành chỉ thể hiện thời gian là các mốc năm cụ thể, khoảng cách giữa các năm phải phù hợp với khoảng cách giữa các năm trong bảng số liệu.
Bước 2: Vẽ đường ranh giới, tương tự như đường ranh giới trong biểu đồ miền tương đối. Cuối cùng, thể hiện mỗi miền bằng một kí hiệu riêng biệt.
Hải Bình (ghi)
Chưa có bình luận nào cho bài viết này