Tin tức
Bộ trưởng Y tế ngậm ngùi vì bị
Mổ xẻ chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT, bà lưu ý 3 yếu tố: quy trình thủ tục rườm rà, dịch vụ kỹ thuật có quy trình thực hiện đòi hỏi nhiều quá cũng gây khó khăn người bệnh và giá dịch vụ thấp quá khiến các cơ sở y tế nếu tuân thủ đúng thì bội chi, mất cân đối. Dù đến nay ngành đã khắc phục phần nào quy trình thủ tục nhưng nan giải nhất vẫn là giá viện phí cũng như dịch vụ.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.Ảnh: Minh Thăng
Bộ trưởng Kim Tiến cho hay, giá viện phí, dịch vụ y tế thấp nên vượt tuyến dễ vì đồng chi trả thấp, theo đó dẫn đến tình trạng quá tải, quá tải làm chất lượng kém, rồi cả thái độ quy tắc ứng xử chưa tốt ở một vài nơi... Vừa qua ngành mới thực hiện tăng giá viện phí (ở Hà Nội, chưa thực hiện TP.HCM) để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh nhưng ngành mới chỉ thực hiện tăng 3/7 yếu tố đã bị phanh lại. Bà ngậm ngùi khi ngành bị "đổ tội' làm tăng CPI do tăng viện phí.
Chia sẻ với Bộ trưởng, ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi (Giám đốc bệnh viện Saint Paul, Hà Nội) cũng cho rằng, tăng giá viện phí để tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nói chung, trong đó có khám chữa bệnh BHYT là cần thiết. Song do giá viện phí bị ém giữ quá lâu đến 18 năm, trong khi giá đầu vào từ điện, nước, xăng tăng liên tục nhiều năm qua, khiến việc điều chỉnh viện phí dễ bị phản ứng. Bà khuyến nghị cần tránh tình trạng như vừa qua, trì hoãn quá lâu mới thay đổi. Dù chưa bằng mức giá thực tế mà người dân lại kêu ca vì tăng một lần quá nhiều.
Âm 800 tỷ đồng quỹ bảo hiểm
Để cải thiện thái độ của xã hội đối với BHYT và khám chữa bệnh bằng BHYT vốn lâu nay bị mang tiếng "thấp" về chất lượng, giá trị tối ưu thấp, luật sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định. Đó là đối tượng được thanh toán chi phí vận chuyển thống nhất với đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT (bao gồm người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người nghèo…).
Nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% và nâng mức hưởng của người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội từ 95 lên 100% để khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thể hiện sự quan tâm của nhà nước.
Hay bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng mức quy định, người thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ 6 trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất...
Luật sửa theo hướng có lợi nhiều hơn cho người dân, qua đó nâng cao chất lượng BHYT, song lo nhất vẫn là ngân quỹ. Phó TGĐ BHXH VN Nguyễn Minh Thảo cho biết, năm 2012 quỹ chi trả 84.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong khi số dư quỹ hiện tại là 15.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 số chi hàng năm chứng tỏ nguy cơ mất an toàn cho quỹ rất lớn.
Dù đến năm 2015 quỹ vẫn đảm bảo nhưng ông Thảo cảnh báo, tần suất khám chữa bệnh của người mua bảo hiểm rất cao, cơ cấu bệnh tật ngày càng phức tạp, thuốc men, kỹ thuật y tế ngày càng hiện đại, đòi hỏi chi phí lớn nên quỹ có nguy cơ mất cân đối trong tương lai không xa.
Bà Đỗ Thị Hằng - đại diện Bộ Tài chính chỉ rõ, với mức đóng quỹ và tiền lương hiện nay thì đến 2013 quỹ bắt đầu âm khoảng 800 tỷ đồng. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở hay nâng tỷ lệ đóng sẽ không tác động, thay đổi nhiều khả năng cân đối kỹ. Việc cần thiết là phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế để rút khoản phải chi hỗ trợ các bệnh viện.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tính toán trong tương lai Bộ sẽ thành lập hội đồng độc lập để giám sát, đánh giá hiệu quả các loại thuốc mới, kỹ thuật mới nhập về nếu không không thể đủ tiền chi cho tất cả các nhu cầu.
Linh Thư
Số lượt xem : 491
Chưa có bình luận nào cho bài viết này