In trang

Sáng tạo Toán học với kỹ thuật động não
Cập nhật lúc : 08:36 10/04/2015
- Trong chương trình Toán ở phổ thông, bất đẳng thức được coi là một chuyên đề khó, nếu không muốn nói là khó nhất. Câu hỏi liên quan tới bất đẳng thức cũng là câu có độ khó cao nhất trong các đề thi tuyển sinh đại học, các đề thi học sinh giỏi, ... Với nội dung kiến thức này, thầy Trần Đức Nội – Giáo viên Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) – cho rằng: Cần vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, trong đó có kỹ thuật động não.

Kỹ thuật động não rất phù hợp với việc dạy học bất đẳng thức, có tác dụng khơi nguồn sáng tạo cho học sinh. Nhưng vận dụng như thế nào cho phù hợp với mục tiêu bài học, nội dung chương trình, phân bổ thời gian, trình độ của học sinh, ... là vấn đề không đơn giản và yêu cầu có sự đầu tư thích đáng.

 

Hình dung về kỹ thuật động não

Kỹ thuật động não do Alex Osborn (Mỹ) đưa ra năm 1941, được phát triển dựa trên một kỹ thuật truyền thống từ Ấn Độ. Đây là một kỹ thuật nhằm huy động những tư tưởng mới mẻ, độc đáo về một chủ đề của các thành viên trong quá trình thảo luận xung quanh một vấn đề, để từ đó rút ra những giải pháp được cho là khả thi nhất. Các thành viên được cổ vũ tham gia một cách tích cực, không hạn chế các ý tưởng nhằm tạo ra “cơn lốc” các ý tưởng.

Nếu giáo viên biết sử dụng kỹ thuật động não đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ giúp học sinh đánh thức trí tưởng tượng, sức sáng tạo đang ẩn sâu trong tiềm thức của họ.

Do đó, người học phải có một tâm trạng thật thoải mái, không bị gò ép để tất cả những ý nghĩ, hình ảnh được tuôn ra một cách phóng khoáng và ngẫu nhiên, thậm chí có cả những ý kiến bị cho là ngớ ngẩn.

Điều quan trọng là người học phải nghĩ ra được càng nhiều ý tưởng càng tốt, trong lúc động não thì không quan tâm đánh giá tính tốt xấu, tính hữu dụng, ... của ý tưởng.

Điểm nổi bật của động não là tránh đánh giá và phê phán trong quá trình thu thập ý tưởng của các thành viên. Đồng thời, khuyến khích số lượng các ý tưởng, cho phép sự tưởng tượng và liên tưởng.

Kỹ thuật động não có thể được tiến hành bởi một hay nhiều người. Số lượng người tham gia nhiều sẽ giúp cho việc tìm ra lời giải được nhanh hơn và toàn diện hơn nhờ vào nhiều góc nhìn khác nhau bởi các trình độ, trình tự khác nhau của mỗi người tham gia.

Với kỹ thuật này, tốt nhất là thể hiện bằng một bảng viết cho mọi thành viên đều đọc rõ tình trạng của hoạt động động não. Nếu tiến hành cá nhân hay vài người thì có thể thay thế bằng giấy viết.

Ngày nay, người ta có thể tiến hành bằng cách nối các máy tính cá nhân vào chung một mạng làm cùng tiến hành việc động não. Bằng cách này những người ở xa nhau cùng có thể tham gia và họ có thể tận dụng được các thế mạnh của công nghệ thông tin như là các kho dữ liệu, các từ điển trực tuyến, và các máy truy tìm.

Sử dụng kỹ thuật động não trong dạy học

Để sử dụng kỹ thuật động não trong dạy học, thầy Trần Đức Nội cho rằng, giáo viên có thể đưa ra một bài toán hoặc một vấn đề và yêu cầu học sinh khai thác bài toán này theo các hướng khác nhau, hoặc để giải bài toán bằng những cách khác nhau.

Các ý tưởng được đưa ra có thể dựa trên các nguyên tắc sau: Bỏ bớt hoặc làm yếu giả thiết của bài toán; tổng quát hóa bài toán; đặc biệt hóa bài toán; đặt bài toán theo hướng ngược lại; xét bài toán đã cho với một đối tượng khác; tìm các ứng dụng của bài toán đã cho.

Trong số các ý kiến đưa ra, có thể có những ý kiến không đúng hay không thể thực hiện được, nhưng cũng có thể có những ý kiến tìm ra được cách giải độc đáo hoặc mở ra một bài toán mới hay hơn, có ý nghĩa hơn.

Áp dụng vào phần bất đẳng thức, giáo viên nêu một bài toán bất đẳng thức trong sách giáo khoa hoặc trong các sách tham khảo (trong các giờ tự chọn, bồi dưỡng, ...). Sau đó tùy thuộc vào đặc điểm của bài toán, giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện một hay một số yêu cầu sau.

Yêu cầu 1: Chứng minh bất đẳng thức bằng nhiều cách khác nhau.

Yêu cầu 2: Mở rộng bất đẳng thức đã cho.

Yêu cầu 3: Chứng minh hoặc bác bỏ các bất đẳng thức mở rộng. (Thông thường, với yêu cầu này giáo viên sẽ giao cho học sinh về nhà làm, trình bày vào vở để tiết sau mang đến lớp kiểm tra.)

Yêu cầu 4: Tìm các ứng dụng của bất đẳng thức đã cho. (Giao cho học sinh về nhà làm và trình bày vào vở để tiết sau mang đến lớp kiểm tra.) Với yêu cầu này, mới đầu học sinh có thể chưa tìm ra hoặc chưa nghĩ ra được nhiều nên giáo viên có thể bổ sung thêm một số ứng dụng khác và yêu cầu học sinh tiếp tục chứng minh...

Thầy Trần Đức Nội lưu ý: Bất đẳng thức là một nội dung khó nên mục tiêu kiến thức của mỗi lớp cũng phải khác nhau.

Theo khung phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT, thời gian dạy chính khóa cho phần bất đẳng thức là rất ít, và gần như chỉ mang tính giới thiệu về bất đẳng thức.

Vì vậy, để học sinh có thể nắm vững được kiến thức và trên cơ sở đó phát huy được tính tích cực, sáng tạo thì giáo viên cần phải tiếp tục dạy trong các tiết học bồi dưỡng và giao bài tập về nhà.

Lưu ý giáo viên khi sử dụng kỹ thuật động não

Thầy Trần Đức Nội cho rằng, giáo viên cần phải chuẩn bị được nhiều phương án trả lời nhất có thể. Sau khi nhận xét, đánh giá, tổng hợp các phương án mà học sinh đưa ra, giáo viên nên bổ sung những phương án mà học sinh còn thiếu, và tích lũy, ghi nhận những phương án hay, độc đáo mà học sinh đưa ra.

Việc tổng hợp và trình bày lời giải của các phương án mà học sinh đưa ra nói chung khó có thể trình bày hết trên bảng. Vì vậy, giáo viên nên trình bày trên giấy rồi photocopy và phát đến từng học sinh, xem như là một tài liệu tham khảo.

Đối với những học sinh giỏi, giáo viên có thể giao cho một bài toán về bất đẳng thức và yêu cầu học sinh đó khai thác và trình bày dưới dạng một báo cáo khoa học, hoặc yêu cầu học sinh tổng hợp lại chính bài toán mà giáo viên đã giao trên lớp. Bài viết này có thể được photocopy và phát cho các học sinh khác làm tài liệu tham khảo.

Trong quá trình thực hiện yêu cầu của giáo viên, nhiều học sinh có thể sao chép lẫn nhau, hoặc không nộp bài. Vì vậy, giáo viên cần phải có biện pháp nhắc nhở phù hợp để giảm thiểu những trường hợp đó. 

Đây cũng là vấn đề chung trong dạy học vì nếu học sinh không tự giác thì các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực sẽ không còn tác dụng.

Các yêu cầu của giáo viên đưa ra phải có nhiều mức khó dễ khác nhau để học sinh nào cũng có thể tham gia vào bài học phù hợp với năng lực của mình và có cơ hội thử sức với những yêu cầu cao hơn.

Chẳng hạn, trong các ví dụ đã nêu ở trên thì việc mở rộng được một vài bất đẳng thức là điều mà một học sinh trung bình hoàn toàn làm được. Song để có thể chứng minh được các bất đẳng thức mở rộng thì chỉ có các học sinh khá giỏi mới có thể thực hiện được.

Hải Bình (ghi)